![Lịch sử Quỳnh Phương]()
Quỳnh Phương đất chật, người đông là nơi có bề dày truyền thống lịch sử. Có núi Hùng vương, đền Cờn, đã tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình. Trải qua các bước thăng trầm của lịch sử, vượt lên mọi khó khăn gian khổ và hi sinh, lớp lớp thế hệ của quê hương đã hun đúc nên một kho tàng văn hoá vật chất và tinh thần vô giá cùng với những truyền thống lao động, đấu tranh, cần được lưu truyền cho hậu thế. Trải qua hàng ngàn năm, nơi đây đã có con người sinh sống, họ đã quai đê, lấn biển, xây dựng xóm làng. Cuối thế kỷ thứ VIII (thuộc thời Đường) ban đầu gọi là Càn Hải (tức Kẻ Càn) ở phía Bắc, kẻ xóm ở phía Nam. Đến thời Trần đổi thành Càn Hải gồm các làng: Phương Cần, Ngọc Huy, Hữu Lập, Đông Hồi, Hải Lệ, Đông Lý, Thời Nguyễn, xã Phương Cần thuộc tổng Hoàng Mai. Từ ngày có Đảng, nơi đây đã có những thanh niên tân tiến đi theo đảng thành lập chi bộ đảng của làng Phương Cần, tham gia các cao trào cách mạng do Đảng lãnh đạo (cao trào 1930 – 1931; 1936 - 1939). Cách mạng tháng Tám năm 1945 diễn ra, Đảng bộ và nhân dân xã Quỳnh Phương sớm giành được chính quyền (17/8/1945). Năm 1946-1947, xã có tên xã Phương Cần, từ năm 1948-1953 đổi tên thành xã Văn Phương. Ngày 25/4/1954 tên xã Quỳnh Phương. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Đảng Bộ và nhân dân Quỳnh Phương có nhiều đóng góp về người và của cho sự thắng lợi chung của dân tộc. Qua 25 năm đổi mới Đảng bộ và nhân dân đã có những bước tiến kỳ diệu: Điện - đường - trường- trạm, cơ sở được nâng cấp làm biến đổi bộ mặt nông thôn. Chính vì lẽ đó mà lịch sử cần được ghi nhận.