z3352678205302_9da027c9da260ea8136617382ab1b0f8
z3352677893096_753b445bcf41c10924d360c69114abea
untitled-2
KỶ NIỆM 77 NĂM NGÀY CÁCH MẠNG THÁNG TÁM THÀNH CÔNG (19/08/1945 - 19/08/2022) VÀ NGÀY QUỐC KHÁNH NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM (02/09/1945 - 02/09/2022)!

TỔNG QUAN VỀ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA ĐỀN CỜN

TỔNG QUAN VỀ KHU DI TÍCH LỊCH SỬ CẤP QUỐC GIA ĐỀN CỜN

Từ xưa tới nay trong dân gian xứ Nghệ vẫn thường truyền tụng câu ca:“Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng ”.
Câu ca trên hàm ý ca ngợi bốn ngôi đền có quy mô to lớn và nổi tiếng linh thiêng của xứ Nghệ mà đền Cờn được liệt vào hạng nhất.
Đền Cờn trước đây thuộc địa phận làng Phương Cần, xã Quỳnh Phương, huyện Quỳnh Lưu nay thuộc phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An . Đền Cờn không chỉ nổi tiếng bởi giá trị nghệ thuật, quy mô to lớn và linh thiêng, mà còn bởi đây là nơi phát nguyên huyền tích Tứ Vị Thánh Nương.
Nhắc đến đền Cờn du khách thập phương thường chỉ biết đến đền Trong, còn gọi là Cờn Tây, mà ít biết đến đền Ngoài, còn gọi là Cờn Đông (do việc đền nằm sát mép biển Đông, phía ngoài làng).

Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền Cờn được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia theo QĐ số: 68 - VH/QĐ ngày 29/01/1993 - Bộ Văn Hóa-Thông Tin.

den-con-nghe-an-01_1633527166

Đền Cờn Trong

Đền Cờn Trong nằm bên dòng Mai Giang, gần cửa Cờn (còn gọi là cửa Cần), được xây dựng vào thời Trần. Theo thần tích còn lưu giữ tại đền Cờn và truyền thuyết lưu truyền tại địa phương thì Tứ Vị Thánh nương là hiện thân của ba mẹ con Hoàng hậu và Nhũ mẫu triều đại nhà Nam Tống (Trung Quốc), gặp nạn vào năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), sóng gió đã đưa 3 mẹ con dạt vào vùng biển Quỳnh Lưu. Một nhà sư trụ trì tại ngôi chùa gần đó, buổi chiều đi dạo trên bãi cát ven biển thấy ba mẹ con đã thập tử nhất sinh liều mình ra cứu. Sau khi hồi phục sức khỏe, dung nhan tuyệt đẹp của Hoàng hậu đã khiến nhà sư động lòng nhưng bị cự tuyệt, sư xấu hổ nhảy xuống biển tự vẫn. Mẹ con Hoàng hậu và Nhũ mẫu thấy vậy, lấy làm ăn năn cũng nhảy xuống biển chết theo. Thi thể bốn người trôi dạt vào cửa Cờn, xã Quỳnh Phương, mặt mũi vẫn hồng hào như người đang sống. Thấy sự lạ, nhân dân làng Phương Cần lập đền thờ gọi là đền Cờn (hay đền Cần) .

Khi mới xây dựng, đền Cờn chỉ là một am nhỏ, được dựng lên bằng tre nứa, lợp cỏ tranh, sau đó phát triển quy mô lớn ở thời Lê và trùng tu nhiều lần vào thời Nguyễn, có kết cấu kiến trúc theo kiểu “nội công ngoại quốc” bao gồm các hạng mục công trình như: nghi môn, nhà ca vũ, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, nhà để thuyền rồng, nhà để đồ tế khí, nhà khách, hệ thống tường bao, đường lên đền. Toàn bộ các công trình đều lợp ngói âm dương, xây tường và thưng ván. Đền Cờn Trong là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố kỹ thuật và mỹ thuật. Hầu hết các chi tiết gỗ của khung nhà từ kẻ, xà, câu đầu đều được chạm lộng hoặc bong kênh. Các đầu dư mang hình đầu rồng ngậm ngọc, còn kẻ được chạm bong 2 mặt với các đề tài tứ linh, tứ quý, cá hóa rồng, cá vượt vũ môn, các đề tài rồng chầu mặt trăng, rồng chầu hổ phù, phượng ngậm cuốn thư, rồng ẩn trong mây, rồng ẩn trong lá…được khai thác triệt để. Đường nét chạm khắc khá tinh tế, lúc mềm mại uyển chuyển, lúc rắn rỏi khỏe mạnh. Có thể nói, bộ khung nhà là một sưu tập các tác phẩm điêu khắc gỗ thời Lê còn lại trên vùng đất này. Hiện tại đền Cờn còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý, đặc biệt là số tượng đá (tượng người, thú), ngoài ra còn các hiện vật khác như bia, khánh đá, chuông đồng, đồ tế khí rất đa dạng, phong phú hầu hết có niên đại từ thời Lê, Nguyễn.

Đền Cờn còn gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử. Năm Tân Hợi (1311), vua Trần Anh Tông trên đường đi chinh phạt Phương Nam, đã vào đền làm lễ kính tế, ra đi biển trời lặng gió, Vua kéo quân đến thẳng Chà Bàn thắng trận lớn. Khi trở về, để tỏ lòng biết ơn vua Trần Anh Tông đã tế lễ gia ân và phong cho các vị được thờ ở đền là “Quốc gia Nam Hải Đại Càn Thánh Nương” .

Năm Canh Dần (1470), vua Lê Thánh Tông đích thân mang quân đi chinh phạt Phương Nam, cũng dừng lại cảng Xước nghỉ ngơi chỉnh đốn binh lực và vào đền tế lễ, sau khi thắng trận trở về, Vua cho tạc tượng và làm thơ đề tặng . Chính những sự kiện lịch sử đó đã làm cho ngôi đền thêm linh thiêng, các vị thần được thờ trong đền được các triều đại phong kiến phong tới mức cao nhất “Thượng đẳng tối linh thần”.

Cùng với sự linh thiêng của ngôi đền, lễ hội đền Cờn là 1 lễ hội giàu bản sắc văn hóa và có thời gian tổ chức dài nhất xứ Nghệ, kéo dài từ 21 tháng chạp năm trước đến 21 tháng Giêng năm sau. Từ thời Trần Anh Tông, đã được định lệ quốc tế (lễ nghi cấp Nhà nước), nên hội ở đây rất to, kéo dài nhiều ngày, có nhiều tế lễ và nhiều trò chơi dân gian phong phú, hấp dẫn gắn liền với tín ngưỡng thờ mẫu, thờ thần biển và nghề nghiệp của cư dân nơi đây.

Lễ hội đền Cờn còn được ghi chép bằng các văn bản, khắc trên bia đá về những quy định, điều khoản chi tiết, cụ thể thành một quy ước bất di bất dịch buộc những người dân trong làng phải tuân thủ. Các công đoạn của lễ hội được phân công, phân cấp cụ thể: làng Phương Cần đảm nhiệm các phần trước hội như: Lễ hội bơi thuyền tháng Chạp, Lễ Thuyền ngự du xuân, tức là rước Thánh đi du xuân trên sông Mai Giang vào ngày mồng 1 tháng Giêng Âm lịch; Chính hội đền Cờn diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 15 đến ngày 21 tháng Giêng. Ngày 21 là lễ hội phát tích, dân gian gọi là trò Ói sau đó là lễ Đại tế và lễ Tạ. Đây là lễ quan trọng nhất cũng là lễ kết thúc chu kỳ lễ hội kéo dài một tháng của lễ hội Đền Cờn.

Tuy nhiên, do nhiều biến động lịch sử, sau năm 1945, lễ hội đền Cờn có sự thu hẹp về quy mô và thời gian, chỉ duy trì tổ chức trong địa phận làng Phương Cần để thể hiện lòng thành kính với các vị thần linh cũng như cầu cho dân làng mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng. Đến năm 1999, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp, lễ hội đền Cờn được phục hồi với quy mô gần như trước đây, không những thu hút đông đảo nhân dân trong vùng mà còn nhiều du khách thập phương tham gia lễ hội.

Về không gian tổ chức: Lễ hội tập trung chủ yếu tại khu vực đền Cờn trong và đền Cờn ngoài và liên quan tới một số xã ven biển như: Quỳnh Dị, Quỳnh Lập, Quỳnh Liên, Quỳnh Lương.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, năm 1993 di tích đền Cờn đã được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Quốc gia.

le-hoi-den-con1

Đền Cờn Ngoài

Theo lời truyền khẩu trong dân gian Phương Cần, năm Hồng Đức thứ 12 (1471), vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm thắng trận trở về, thuyền đến cửa Biện (Thanh Hóa) bỗng gió đông thổi mạnh, phải quay lại cửa Cờn. Nhà vua vào làm lễ tạ thần đền, thấy tượng vua Đế Bính được thờ chung với các bà, cho rằng “nam nữ bất đồng cung”, sai dựng đền Ngoài để thờ Đế Bính và các trung thần (Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu). Đền được xây dựng vào khoảng thế kỷ 15ngay tại nơi cao nhất của dãy núi Thằn Lằn . Xét về mặt tổng thể đền Ngoài tuy không xây dựng cao to, bề thế như đền Trong, nhưng cảnh quan nơi đây được người xưa cho là đắc địa bởi nó nằm ở vị trí cao nhất của làng.Mặt đền hướng ra biển Đông, đứng trước sân đền có thể bao quát một diện khá rộng dải đất cát trù phú bao bọc.

Trước đây, đền Ngoài bao gồm nhiều hạng mục công trình: Nghi môn, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, Tả Hữu vu. Đến thời Tự Đức (1848-1883) đền được tu bổ, tôn tạo với quy mô lớn. Trải qua thời gian dài chiến tranh và thiên tai khắc nghiệt, năm 1979 đền bị hư hỏng nặng. Sau đó, nhân dân Quỳnh Phương đã đứng ra phục hồi, tôn tạo lại. Ngôi đền hiện nay có kết cấu mặt bằng hình chữ đinh gồm Bái đường và Hậu cung. Tại đền còn lưu giữ được một hệ thống tượng đá cổ, quý khá phong phú như: rồng đá, nghê đá, hổ đá, voi đá…

24_1

Trích bài viết “ĐỀN CỜN QUÁ KHỨ, HIỆN TẠI VÀ TƯƠNG LAI” của Ts. Hoàng Thị Quỳnh Anh- PGĐ sở VHTTDL Nghệ An và Đỗ Thị Nụ - Trưởng phòng Quản lý di sản, trong cuốn: Đền Cờn Điểm đến Hoàng Mai do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia- sự thật xuất bản năm 2016.

van_ban_luat_banner_550300_1
Thăm dò
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 3
Trong ngày: 27
Trong tuần: 182
Lượt truy cập: 89464
CHÚC MỪNG NĂM MỚI 2022

chu-thu-phap-chuc-tet-2

quyhuy1CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ PHƯỜNG QUỲNH PHƯƠNG 

Cơ quan chủ quản: UBND phường Quỳnh Phương

Chịu trách nhiệm chính: ông Hồ Xuân Hường - Chủ tịch UBND phường

Trụ sở: Khối Ái Quốc, Phường Quỳnh Phương, Thị xã Hoàng Mai, Tỉnh Nghệ An

Điện thoại: 0238. 3.866.048. Mail: ubndphuongquynhphuong@gmail.com

Bản quyền thuộc về UBND phường Quỳnh Phương

Ghi rõ nguồn Cổng TTĐT phường Quỳnh phương (hoặc www.quynhphuong.gov.vn) khi trích dẫn tin từ địa chỉ này